Ba Du Sinh, “U não, bệnh động mạch vành khá nặng, tắc nghẽn động mạch phổi, bệnh liệt rung Pac-kin-sơn, tiểu đường… đủ cả…”
“Và tâm thần phân liệt nặng nữa.”
“Ừ nhỉ, trước mặt cô, anh không dám múa rìu qua mắt thợ, suýt nữa quên béng điều đó! Bị ngần ấy bệnh nặng, xét đến vấn đề nhân quyền và nhân đạo, đều nên được đưa ra điều trị ở bệnh viện dân sự…”
“… dù rằng phạm tội cưỡng dâm và giết người bất thành!” Na Lan thở dồn khi nhìn cẳng tay gầy đét như que củi thò ra ngoài chăn. “Có điều, với tội phạm nguy hiểm, hình như pháp luật kiểm soát rất chặt việc điều trị dân sự.”
Ba Du Sinh gật đầu, “Nhưng lão ốm quá nặng, bệnh viện nhà tù không đủ điều kiện chữa chạy thì lão phải được chuyển ra ngoài. Để đảm bảo, bên anh đã xin phép tòa án, đồng thời tổ chức giám sát lão một cách thỏa đáng. Tình trạng như lúc này, lão rất ít có khả năng gây ra mối nguy gì. Các bác sĩ cũng đều nhận định rằng sự sống của lão chỉ có thể tính từng ngày.”
“Bệnh nặng như vậy mà còn hứng thú chuyện phiếm với em à!” Na Lan hiếm khi dùng giọng châm biếm thế này, nhất là trước mặt Ba Du Sinh. Nhưng chẳng biết hôm nay cô bị rơi vào từ trường kỳ quái nào mà không giữ được khả năng tự kiểm soát. Hay là, phạm nhân đang nằm chờ bảo lãnh kia chính là một nguyên nhân?
“Lão nằng nặc đòi gặp cô.”
“Vì liên quan đến vụ án ‘ngón tay khăn máu’?” Na Lan bỗng cảm thấy nói ra mấy chữ “ngón tay khăn máu” nghe thật cải lương, mà cũng thật ghê rợn.
Ba Du Sinh hơi do dự, gật đầu, “Ít ra thì… chính lão đã gọi như thế.”
Chương 3: Ngón tay khăn máu
Ông già nằm trên giường bệnh là một bệnh nhân tâm thần phân liệt phạm tội hiếp dâm, đòi gặp đích danh Na Lan, nói là muốn tiết lộ một bí mật gây chấn động Giang Kinh thậm chí toàn quốc.
Sự thật này chắc chắn sẽ trở thành một dòng status được lan truyền rộng khắp trên weibo[1].
[1] Mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc.
Sự thật về vụ án “Ngón tay khăn máu”!
Trong ba mươi năm qua, ở Giang Kinh đã xảy ra một loạt vụ án phụ nữ mất tích, các vụ việc cách nhau một hai năm hoặc vài năm. Tính đến nay, đã có ít nhất mười phụ nữ là nạn nhân của dạng vụ án này. Giang Kinh là thành phố lớn, dân số cả chục triệu người, không hiếm các vụ mất tích, nhưng loạt vụ án mất tích này có chung một đặc điểm.
Đặc điểm khủng khiếp.
Một ngày mùa xuân năm 1980, có một công chức bình thường đang sốt ruột sốt gan vì chờ đợi, mong mỏi một điều thần kỳ rằng cô em gái Nghê Phượng Anh đã mất tích một tuần sẽ trở về nhà. Nhưng chỉ thấy xuất hiện một chiếc xe đạp đưa thư cùng một bưu kiện nhỏ. Bao bì không ghi họ tên địa chỉ người gửi. Bên trong là một hộp giấy, trong hộp giấy là một chiếc khăn tay màu trắng, góc khăn có ghi tên Nghê Phượng Anh do chính cô thêu.
Giữa khăn là một vết đỏ thắm.
Mở khăn ra, một ngón tay trắng nhợt!
Không lâu sau đó, công an xác định rằng vết đỏ ở khăn là máu của Nghê Phượng Anh, ngón tay ấy cũng là của cô.
Những người cư trú lâu năm tại Giang Kinh vẫn nhớ, trong những năm tháng yên bình ấy, vụ án Nghê Phượng Anh mất tích đã khiến bao người xót xa, đã trở thành đề tài bàn tán ở khắp nơi. Có một thời gian các cô gái trẻ không dám ra khỏi nhà buổi tối. Bấy giờ, một tờ báo chuyên viết về đời thường tên là Tin chiều Tân Giang liên tiếp đăng tin bài về vụ án này, cộng thêm các phim kinh dị, trinh thám chiếu rạp cùng thời như Vụ mưu sát số 405 hay Mây mù trên đỉnh Thần Nữ, khiến âm thanh rùng rợn của cái ác như thấm qua mặt báo mà tác động vào thần kinh của mọi người.
Hung thủ có thể là ai? Hồi đó người ta đoán già đoán non, có thể là bọn đặc vụ Mỹ-Tưởng vẫn nằm vùng ở đại lục từ ba mươi năm qua, có thể là tay chân của “bè lũ bốn tên” hoặc bọn xã hội đen Hồng Kông… Một suy đoán có vẻ thực tế hơn là, một gã trai trẻ nào đó cùng làm ở xưởng dệt với Nghê Phượng Anh đã yêu cô nhưng bị cô từ chối.
Nhưng dù hung thủ là ai, là nam hay nữ, thì cũng đã ẩn thân rất giỏi, vì hắn vẫn là một câu đố không lời đáp, tung tích Nghê Phượng Anh vẫn mịt mùng.
Truyền thông và dân chúng đều chỉ có trí nhớ ngắn hạn, nhất là trong thời đại xã hội đang phát triển rầm rộ, ai cũng tất bật với vô vàn thay đổi từng ngày. Vài ba năm sau, họ đã dần quên khuôn mặt xinh xắn hiền hòa của Nghê Phượng Anh.
Thế rồi ba năm sau, một buổi tối mùa hè, Mã Vân bỗng nhiên mất tích.
Mã Vân là cô giáo tiểu học mới vào nghề một năm. Vào buổi tối mùa hè bất hạnh ấy, khi Giang Kinh đang phải chịu cái nóng ghê gớm chưa từng thấy suốt nhiều năm qua, Mã Vân và mấy cô bạn ra bờ sông Thanh An hóng mát, nghịch nước… giống hàng trăm người dân khác của thành phố. Đùa nghịch mãi, rồi nóng bức, Mã Vân xung phong lên đê mua kem về cho mọi người, nào ngờ cô ra đi không bao giờ trở lại.
Người đầu tiên liên hệ hai vụ Nghê Phượng Anh và Mã Vân với nhau là Trần Ngọc Đống, một công an ở khu Văn Viên. Anh công an trẻ tuổi thường được gọi là “chú em” này trước đó đã từng tham gia điều tra vụ Nghê Phượng Anh. Khi phần lớn đồng nghiệp cho rằng Mã Vân là vụ án riêng rẽ thì Trần Ngọc Đống đã lờ mờ nhận ra sự liên quan giữa hai vụ mất tích cách nhau ba năm này, anh bèn báo cáo lãnh đạo về sự suy đoán mạnh dạn của mình, nhưng lại phải nghe một cuộc “trao đổi” sâu sắc và tình cảm, “Vụ Nghê Phượng Anh chưa phá được không phải là lỗi của chú em. Trước giờ thời nào chẳng có những vụ bế tắc không thể đóng hồ sơ, chú khỏi cần canh cánh bên lòng hay ngờ vực nhiều như thế. Huống chi, vụ Mã Vân do công an Tân Giang phụ trách, chúng ta chỉ phối hợp tìm kiếm, thu thập tin tức do quần chúng báo lên, còn việc trinh sát cụ thể thì Văn Viên chúng ta không thể nhúng tay vào.” Đúng là thế, Mã Vân cư trú ở Tân Giang, Trần Ngọc Đống không có cơ hội tham gia vào vụ này. Về đến ký túc xá, anh mở cuốn sổ “Ghi chép công tác” ra viết một câu, “Mình có linh cảm rằng chẳng mấy chốc dự đoán của mình sẽ được chứng minh là đúng.”
Thật không may, linh cảm của Trần Ngọc Đống hoàn toàn chính xác. Mã Vân mất tích đến ngày thứ năm thì một bưu kiện được gửi về gia đình đang nóng lòng như lửa đốt của cô.
Đó là một cái hộp giấy, bên ngoài chỉ ghi họ tên địa chỉ người nhận, không ghi bất cứ thông tin gì về người gửi.
Dù cảnh sát đã dặn tình hình thế nào cũng phải trình báo ngay, cha Mã Vân vẫn quên bẵng, ông hấp tấp mở luôn cái hộp, kêu to một tiếng rồi ngã lăn ra.
Mẹ Mã Vân đi chợ vắng, một bác hàng xóm đã về hưu nghe tiếng kêu bèn chạy vội sang đỡ ông dậy. Ông Mã chưa bất tỉnh, mà chỉ bị sốc do huyết áp cao, ông nắm tay bác hàng xóm nói, “Mau báo cảnh sát… cái hộp kia… bác đừng nhìn nó… và đừng kể cho nhà tôi biết…”
Bác hàng xóm bèn gọi người, rồi tìm tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực… tuy nhiên bác vẫn không quên nhìn trộm vào cái hộp bí ẩn kia. Loài người là loài động vật tiến hóa không ngừng nhờ biết tò mò, dù rằng trong đại đa số trường hợp tò mò xong họ đều hối hận.
Bác già vừa tốt bụng lại vừa tò mò ấy nhìn vào hộp giấy. Chỉ nhìn một tích tắc mà ác mộng đeo bám bác suốt hơn hai mươi năm, đến tận khi bác qua đời.
Một cái khăn tay màu lục nhạt.
Một vết đỏ sẫm trên cái khăn.
Bên cạnh nó là một ngón tay trắng nhợt.
Công an thành phố thành lập tổ chuyên án, do một trong các phó giám đốc sở trực tiếp chỉ huy. Họ tổ chức trinh sát, phục kích suốt ngày đêm. Trần Ngọc Đống, vì có chút ít kinh nghiệm và bài học từ vụ Nghê Phượng Anh, nên được công an Văn Viên đề cử tham gia tổ. Tổ chuyên án tìm kiếm kiểu cuốn chiếu, rà soát gần như từng mét vuông suốt dải bờ sông hiện trường, nhưng không tìm thấy bất cứ manh mối nào về Mã Vân.
Cô có còn trên đời này không, hay đã biến thành một cái xác?
Tại sao hung thủ phải gửi về nhà chiếc khăn tay của người bị hại? Tại sao hắn lại chặt một ngón tay của cô?
Hai vụ án có do cùng một hung thủ gây ra không?
Hung thủ không để lại dù là một vết tích. Hắn là sát thủ “chuyên nghiệp” trong truyền thuyết chăng? Nghe chừng là chuyện chỉ xuất hiện trong phim xã hội đen do các lò sản xuất băng đĩa chui làm ra, chứ ở Giang Kinh thì chưa từng nghe nói đến. Tại sao lại giở thủ đoạn gây án chuyên nghiệp với hai cô gái rất bình thường? Hung thủ và nạn nhân có quan hệ gì? Hắn là một kẻ tâm thần cuồng sát ngẫu nhiên, hay là kẻ gây án có chủ đích có mục tiêu?
Những câu hỏi đại loại như thế đều được ghi trong cuốn sổ tay của Trần Ngọc Đống, anh viết kín đặc bốn trang giấy. Và vẫn còn rất nhiều câu hỏi anh chưa viết vào đây.
Cảnh sát thành phố Giang Kinh đã dốc toàn bộ lực lượng và tâm trí nhưng kết quả vẫn như vụ án Nghê Phượng Anh, không thể đóng hồ sơ. Mã Vân cũng như Nghê Phượng Anh đã biến mất khỏi thế giới này.
Trần Ngọc Đống vừa ngao ngán vừa phẫn nộ, mất ngủ liền mấy đêm, anh viết vào sổ tay, “Vụ án còn lâu mới dừng ở đây được. Tôi sẽ dốc hết sức lực đời mình để lôi tên hung thủ ác ma ra trước ánh sáng công lý.”
Thật không may, một lần nữa dự đoán của Trần Ngọc Đống lại đúng.
Chưa đầy hai năm sau, mùa xuân năm 1985, một cô gái tên là Tiết Hồng Yến mất tích. Lại một cái hộp giấy, một khăn tay dính máu, và một ngón tay trắng nhợt khiến người ta khiếp đảm.
Vụ án lại làm chấn động Giang Kinh, lại đẩy ảnh hưởng của tờ Tin chiều Tân Giang lên một tầm cao mới, và lại khiến mạch máu của Trần Ngọc Đống căng phồng. Sở Công an tái lập tổ chuyên án, Bộ Công an cũng cử chuyên gia xuống, cảnh sát toàn thành phố tiếp tục lao vào trinh sát khám phá. Lần này Sở hạ quyết tâm chặn đứng tội ác, vụ án tàn bạo này mà không phá được thì sẽ gây cho người dân ấn tượng rất xấu, rằng công an chẳng hề tài ba như người ta tưởng, và sẽ kích thích làn sóng phạm tội đang dần nổi lên trong xã hội. Cho nên khẩu hiệu của tổ chuyên án là, Nhân dân tất thắng! Công an nhân dân tất thắng!
Năm ấy ngoài tờ Tin chiều Tân Giang ra, còn có vài tờ nguyệt san về pháp chế cũng ăn theo, họ đặt cho loạt vụ án nói trên cái tên rất “văn học đại chúng” là “Vụ án ngón tay khăn máu”. Sau khi miêu tả sinh động hai trường hợp Nghê Phượng Anh và Mã Vân, họ còn tung ra những phỏng đoán sặc mùi tiểu thuyết về sự mất tích của Tiết Hồng Yến. Trong quá trình “sáng tác” này, những tình tiết thực hư về đời tư và gia đình của cả ba cô gái bị khai thác triệt để.
Chẳng nói cũng biết, khi Bộ Công an và Sở Công an tuyên bố rằng, nhờ nỗ lực phối hợp của cảnh sát toàn thành phố, vụ án “ngón tay khăn máu” đã được phơi bày, hung thủ bị đưa ra xét xử… thì tở Tin chiều Tân Giang và mấy trang tạp chí pháp chế kia phấn khích đến nhường nào!
Càng không khó để hình dung rằng mọi tình tiết về đời tư, gia đình… của hung thủ sẽ không thể bị bỏ sót.
Chương 4: “Ngón tay khăn máu” tái xuất
Hung thủ là La Cường, 29 tuổi. Theo ảnh đăng trên tờ Tin chiều Tân Giang, hắn có khuôn mặt dài hình tam giác ngược, trán rộng má vát cằm nhọn, hai mắt cách xa nhau đầy vẻ tàn bạo, mũi sư tử, đôi tai vểnh, càng tăng thêm nét hung ác. Nếu cho hắn đứng chung với chục thanh niên bất kỳ, rồi bảo anh “chọn” ra một tội phạm giết người, tin rằng anh sẽ không do dự chỉ vào mặt La Cường nói, “Là thằng này!”
Chắc chắn anh không chọn nhầm, vì anh còn chưa biết một điều rất có sức thuyết phục, hắn từng có tiền sự về tội lưu manh.
Không chỉ La Cường có tiền sự lưu manh, mà La Dực Vũ cha hắn cũng có tiền sự lưu manh.
“Cha yêng hùng con hảo hớn”, không cần học về gen anh cũng biết đã không bắt nhầm người.
Trần Ngọc Đống đã là tổ phó tổ chuyên án, là người có công lớn bắt được La Cường đưa về xử lý. Trong cuộc họp biểu dương các tấm gương tiên tiến, người ta được biết Trần Ngọc Đống đã từng thức trắng sáu đêm liền để phá vụ án này. Sau hai phen “trắng tay” khi trước, Trần Ngọc Đống hiểu ra rằng càn quét kiểu cuốn chiếu hoặc huy động “toàn dân tham gia” khó có thể có kết quả. Nếu không vận dụng kỳ binh, không phát huy mở rộng tư duy thì khó mà phá giải được vụ án hết sức mơ hồ này.
Số lượng người bị hại đã cung cấp điều kiện có lợi cho việc tổng kết và quy nạp, ba cô gái này có những điểm chung gì?
Trước tiên là địa điểm mất tích, đều ở khu Tân Giang, chứng tỏ hung thủ tương đối quen và cảm thấy gây án ở vùng này sẽ an toàn. Cho đến giờ hắn vẫn chưa để lộ mảy may dấu vết, chứng tỏ hắn tính toán kín kẽ, hành động cẩn thận. Một kẻ như hắn sẽ không ra tay ở địa điểm lạ, không mù quáng tùy tiện trong việc chọn nạn nhân, cũng không phải là bột phát gây án mà đã có toan tính rất kỹ, cho nên mới không hề để lại dấu vết giằng co vật lộn. Những điều này đồng thời cho thấy, một là, hung thủ có thể đã được đi học ở mức độ nào đó, hai là rất có thể hắn và ba cô gái này ít nhiều có tiếp xúc với nhau.
Mặt khác, sử dụng thủ đoạn tàn nhẫn như thế, lại liên tiếp gây án vài lần, chứng tỏ hắn không phải lần đầu phạm tội. Các chuyên gia của Bộ, của công an tỉnh và công an thành phố đã giúp tổ chuyên án phân tích rằng, hành vi phạm tội của hung thủ trọng án thường nâng cao dần, và đều có những đặc trưng trước khi phạm tội, ví dụ, bọn cướp đường sông đều bắt đầu từ những kẻ từ bé đã trộm cắp vặt, những kẻ sát nhân tàn độc đều bắt đầu từ đánh nhau ẩu đả…
La Cường có đầy đủ những đặc trưng này.
Cha hắn là La Dực Vũ, trước 1949, khoảng 17-18 tuổi đã trở thành tên du côn khét tiếng ở vùng Tân Giang, chỉ huy hơn trăm tên đàn em. Không phải y có sức khỏe đặc biệt hay là con nhà nòi xã hội đen, mà vì y có cái đầu tinh quái hơn người cùng khả năng nắm bắt thời cơ. La Cường “thừa kế” bộ óc ấy của La Dực Vũ, hắn học rất nhanh nghề sửa chữa đồ điện gia dụng và mánh khóe buôn bán, mở cùng lúc một cửa hàng thời trang và một ảnh viện, mau chóng kiếm được tiền, lại bắt tay mở hàng ẩm thực và bách hóa nho nhỏ, ngầm chiêu binh mãi mã rồi làm một tên trùm giữa vùng giáp gianh hai khu Tân Giang và Văn Viên. Không ai ngờ rằng hắn còn dư sức tự ôn rồi dự thi đại học dành cho người lớn tuổi, rồi lấy được bằng tốt nghiệp. Tấm bằng đại học cao đẳng vào những năm ấy gần như một huyền thoại, nó “có giá” hơn cả cử nhân chính quy thậm chí thạc sĩ tiến sĩ ngày nay.
Vốn có câu “thỏ khôn có ba hang”, với hiệu thời trang, ảnh viện, hiệu ăn, bách hóa cơ khí… La Cường có đến 100 hang!
Ngay từ khi điều tra vụ án Nghê Phượng Anh, Trần Ngọc Đống đã để mắt đến La Cường. Hắn không chỉ là bạn cùng học lớp ban đêm với Nghê Phượng Anh mà còn từng cặp kè với cô ở sân trượt băng nhân tạo. Về sau nghe nói cô có bạn trai là một cảnh sát vũ trang nhân dân thì hắn không bám riết nữa. Khi trước Trần Ngọc Đống không có thêm chứng cứ gì để nghi ngờ La Cường nên anh gác lại cho qua.
Ba năm sau, một cô bạn của Mã Vân kể lại, trong buổi tối mùa hè mà Mã Vân mất tích ở bờ sông, La Cường cùng mấy gã bạn có đi qua và đề nghị mua nước ngọt cho mấy cô gái, nhưng các cô đã khéo léo từ chối. Tương tự lần trước, Trần Ngọc Đống không có chứng cứ gì để nghi ngờ La Cường liên quan đến sự việc Mã Vân mất tích. Các bạn của hắn đều quả quyết khai rằng cả tối hôm đó La Cường chỉ đi chơi cùng họ.
Tiết Hồng Yến đã từng làm nhân viên bán hàng ở tiệm thời trang của La Cường. La Cường có cả bầy gái gú, và tật háu gái của hắn chẳng phải bí mật với ai. Không có gì đảm bảo rằng họ không dan díu, nhưng dẫu sao đây cũng chỉ là phỏng đoán.
Sau khi ba cô gái mất tích, La Cường không có biểu hiện gì khác thường, cuộc sống giang hồ vẫn tiếp tục. Nhưng khi việc điều tra vụ Tiết Hồng Yến tưởng chừng bế tắc thì cảnh sát khẳng định La Cường là hung thủ.
Về lý thuyết, La Cường phù hợp là hung thủ nhưng cảnh sát không thể dùng “lý thuyết” để còng tay hắn.
“Lý thuyết” thôi thúc Trần Ngọc Đống thuyết phục được một gã lâu la của La Cường, điều động hắn theo sát La Cường và thu thập mọi chứng cứ liên quan đến vụ án “ngón tay khăn máu”, hễ có được thì báo cáo, chưa có thì thôi.
La Cường vốn ham chụp ảnh, ảnh viện là một trong những nền tảng để hắn làm nên cơ nghiệp. Chân rết của Trần Ngọc Đống đã tìm thấy trong buồng tối của ảnh viện ba tấm ảnh của Mã Vân!
Và cả vài tấm ảnh của Tiết Hồng Yến nữa!
Nhìn góc chụp và vẻ mặt hai cô gái trong ảnh, có thể kết luận đây là những tấm ảnh chụp lén. Tin được báo ngay cho Trần Ngọc Đống. Sau đó, vào lúc chập tối yên tĩnh, hơn hai mươi chiến sĩ cảnh sát chia nhóm xông vào nhà La Cường bắt tên nhà giàu đã lộ rõ bản chất lưu manh này, vài cảnh sát khác xông vào buồng tối của ảnh viện.
Họ phát hiện rất nhiều ảnh thiếu nữ, đều là ảnh chụp lén từ cự li xa.
Kể cả ảnh của Nghê Phượng Anh năm năm về trước.
Chứng cứ đã rõ ràng, La Cường “vừa khéo” khớp với những nạn nhân của vụ án “ngón tay khăn máu”, tất nhiên có thể suy luận là hắn đang đi tìm con mồi mới. Những tấm ảnh này như sổ tay ghi chép của hắn. Hắn không phủ nhận các tấm ảnh, và lý sự rằng mình thích chụp ảnh các cô gái xinh, xuất phát từ đam mê cái đẹp, ai chẳng thích cái đẹp? Làm thế là phạm pháp hay sao?
Thẩm vấn liên tục mà không thắng được ý chí rắn đanh của La Cường, hắn gan lì đến cùng, quyết không nhận tội. Cảnh sát mở rộng và đi sâu thẩm vấn, mấy tên đàn em ngày trước nói La Cường đi chơi cả đêm với chúng, nay thấy tình thế nguy ngập bèn “khai lại” không cam đoan như thế nữa. Thực ra những buổi tối xảy ra các vụ mất tích, La Cường đi đâu không ai biết. Có lẽ hắn đang rửa ảnh trong buồng tối, hoặc hắn đang ở với một trong các cô bạn gái, hoặc hắn đang gây án “ngón tay khăn máu” cũng nên. Có vô số khả năng, và chính hắn cũng không thể chứng minh mình không hề dính líu.
La Cường một mực cãi phăng, vẫn rất bình tĩnh. Không thể chứng minh mình vô tội, không có nghĩa là thừa nhận mình có tội.
Khi cả cảnh sát lẫn La Cường đang ở thế giằng co thì người ta đã tìm thấy trong hang ổ của La Cường một chứng cứ đầy sức nặng.
Ở khu Văn Viên gần Đại học Công nghiệp Giang Kinh có một cửa hàng kim khí do một trợ thủ của La Cường kinh doanh, cảnh sát tìm thấy trong thùng rác đặt ở con hẻm bên cạnh có chiếc quần bảo hộ lao động cũ kỹ. Cảnh sát hình sự tìm thấy vết máu dính ở cái quần này. Vết máu đó đã rung tiếng chuông báo tử cho La Cường.
Các sợi tóc, các tế bào da... chứng minh quần này là của La Cường. Kết quả xét nghiệm vết máu, chứng minh đó là máu của Tiết Hồng Yến.
Chứng cứ tuy đanh thép nhưng La Cường vẫn phủ nhận. Máu của Tiết Hồng Yến mà có thể dính vào quần hắn! Hắn cười khẩy nói Tiết Hồng Yến là bồ của hắn, cô ta rất quái đản, nên phải tẩn cho một trận để cô ta biết điều, chỉ chảy máu xước da thì chết sao được?
Hắn đã phủ nhận hành vi gây án, tất nhiên càng không thể nói gì về tung tích của ba nạn nhân.
Cho đến ngày bị đưa ra trường bắn, hắn vẫn không hề tỏ ra hối cãi.
Tung tích của ba cô gái cũng tan biến cùng tiếng súng xử tử.
Sau năm mùa nóng lạnh, vụ án “ngón tay khăn máu” đã trở thành lịch sử. Thỉnh thoảng cũng có vài cô gái mất tích, có cô giận gia đình nên bỏ nhà ra đi, có cô trốn theo người tình, có cô bị lừa bán về vùng nông thôn hẻo lánh làm vợ người ta… nhưng đều không có tình tiết “ngón tay khăn máu”. Theo đà phát triển kinh tế, người dân Giang Kinh bận bịu với đời sống đã dần quên lãng vụ trọng án từng gây xôn xao một thời.
Nhớ để làm gì? Vụ án đã phá xong, hung thủ đã bị pháp luật trừng trị.
Nhưng vào mùa hè năm 1990, vụ án “ngón tay khăn máu” lại tái diễn.
Một nữ sinh đại học tên là Quan Tinh mất tích. Hai tuần sau, một gói bưu phẩm gửi đến nhà, lại là chiếc khăn tay dính máu và một ngón tay trắng nhợt.
Giang Kinh thêm một phen kinh hãi.
Hay là La Cường không phải hung thủ của vụ chặt ngón tay, hắn đã bị xử oan sai? Tờ Tin chiều Tân Giang nêu câu hỏi này, lãnh đạo Bộ Công an, Sở Công an và cả Trần Ngọc Đống cũng ngờ ngợ.
Anh tự hỏi phán đoán của mình ngày trước có nhầm lẫn gì về trình tự trinh sát hình sự không? Rõ ràng là các chứng cứ rất xác đáng, La Cường là hung thủ của vụ án. Được lãnh đạo công an quận và công an thành phố khuyến khích, anh nhận lời phỏng vấn của tờ Tin chiều Tân Giang, đối mặt với những câu hỏi sắc sảo của phóng viên.
“Theo đánh giá của anh, có bao nhiêu phần trăm khả năng công an đã giết nhầm La Cường?”
“Không phần trăm.” Trần Ngọc Đống bình tĩnh đáp, khiến phóng viên cảm thấy bất ngờ.
“Vậy thì nên giải thích thế nào về vụ án ‘ngón tay khăn máu’ mới xuất hiện?”
“Là mô phỏng.”
“Mô phỏng?”
“Trong và ngoài nước xưa nay không thiếu những vụ việc tương tự, hung thủ bắt chước các vụ án ‘nổi tiếng’ để thỏa mãn mục đích của mình là hành hung, tạo ra ‘vụ án lớn’ khiến dư luận chú ý. Chục năm về trước vụ án ‘ngón tay khăn máu’ chấn động Giang Kinh thậm chí toàn quốc, rất ‘nổi tiếng’, vì thế có kẻ mô phỏng thì cũng không có gì là lạ.”
Lập luận “mô phỏng” của cảnh sát không phải là vô căn cứ. Ba ngón tay trong ba vụ án trước kia được phòng kỹ thuật xác định là dùng dao sắc chặt đứt, còn ngón tay của Quan Tinh thì có nét khác biệt về vết cắt, hung thủ đã dùng một sợi thép nhỏ và cứng thít cho đứt ngón tay! Xét từ đặc điểm này, thấy rằng không chỉ là mô phỏng mà còn nâng cấp sự tàn nhẫn.
Cũng không ai có thể ngờ, trong 19 năm sau thời La Cường, cái lối mô phỏng này đã gây ra 9 vụ án “ngón tay khăn máu”, 9 cô gái mất tích, 9 ngón tay cắt rời, 9 gia đình tan nát với bao đau thương vô tận. Tính cho đến nay cả thảy có 12 vụ án rất giống nhau, vụ cuối cùng xảy ra năm 2009.
Cảnh sát cảm thấy bối rối, vì trong 9 ngón tay kia có 3 ngón tay bị dao cắt, 6 ngón tay bị sợi dây thép thít đứt. Có vẻ là hung thủ khác nhau thì dấu ấn để lại cũng khác nhau.
Gần đây các cô gái không mang khăn mùi xoa theo người nữa thì người nhà lại nhận được ngón tay gói trong khăn quàng hoặc áo lót, và vẫn dính một vệt máu đỏ khiến người ta kinh hãi.
Người nhà nạn nhân và cảnh sát đều rất đau đầu bởi trạng thái mù mờ không biết nạn nhân còn sống hay đã chết. Na Lan đoán rằng sau nhiều năm vẫn còn một số người thân của nạn nhân đang mong ngóng con cháu mình trở về. Nhưng những người làm nghiệp vụ liên quan đến tội ác và trừng phạt đều biết, nhiều khả năng là các cô gái đó đã bị sát hại cả rồi.
Có rất nhiều vụ án bạo lực, nhưng không mấy vụ hơn được “ngón tay khăn máu” về độ tàn nhẫn và ghê rợn.
Bóng đen của hung thủ, đến giờ vẫn còn nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật.
Ba Du Sinh đã chuyển hết những tư liệu này cho Na Lan qua hòm thư bảo mật, cô cũng đọc ngay trong đêm. Trong số đó có rất nhiều tư liệu là sổ tay công tác của người cảnh sát già Trần Ngọc Đống. Khi về hưu, ông đã trao các tư liệu liên quan cho Sở Công an Giang Kinh. Các tổ viên Tổ trọng án của Đội Cảnh sát Hình sự ở Sở đều biết, loạt vụ án nghiêm trọng kéo dài ba mươi năm gần như “không manh mối”, gần như hết hy vọng rồi, nhưng Ba Du Sinh tổ trưởng của họ vẫn quyết không gạt sang một bên.
Đó là nét đặc sắc, là thế mạnh khiến Ba Du Sinh trở thành một cảnh sát hình sự xuất sắc, nhưng có lẽ nó cũng là trở ngại khiến anh không thể thăng tiến - đôi khi anh rất cố chấp, nhất định không đổi ý. Mấy năm gần đây dân số thành phố tăng nhanh, cơ cấu xã hội không ổn định, các vụ án lớn chấn động Giang Kinh cũng nhiều lên, nhiệm vụ “dập lửa” của công an các cấp càng thêm nặng nề, họ đặt trọng tâm vào những vụ việc gay cấn mới phát sinh và những sự kiện cần xử lý gấp. Ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, Ba Du Sinh không dành nhiều thời gian và sức lực để giao lưu với các nhân vật quan trọng nhằm chuẩn bị cho bước thăng tiến tiếp theo, mà chỉ mải mê với các vụ án cũ bế tắc, rồi chìm sâu vào đó không thể dứt ra. Lập luận của anh là, phá được các vụ án tồn đọng là thử thách đỉnh cao đối với nghị lực và trí lực của trinh sát hình sự và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá tác phong của cảnh sát hình sự.
Vụ án “ngón tay khăn máu” đã thành lịch sử, nhưng vụ cuối cùng trong loạt vụ án này chỉ cách đây bốn năm, chưa thể gọi là cũ, Ba Du Sinh tất nhiên không bỏ qua.
Dù rằng trong bốn năm đó không hề có một manh mối nào.
Mãi cho đến hôm qua.
Lão già phạm tội hiếp dâm khét tiếng đang nằm chờ chết ở buồng bệnh nặng này bỗng nói với cảnh sát rằng, lão biết tung tích của các nạn nhân trong vụ án “ngón tay khăn máu”.
Khi cảnh sát tiến hành thẩm vấn ngay tại giường bệnh, lão không nói 12 cô gái kia sống chết ra sao, cũng không nói ai là hung thủ của hàng loạt vụ án man rợ ấy, lão chỉ nói mình biết tung tích của các nạn nhân.
Và, chỉ muốn kể cho một mình Na Lan biết.
Chương 5: Thương Hiệt
Lúc này, qua cửa kính, Na Lan đang quan sát khuôn mặt không còn chút sinh khí nào của Mễ Trị Văn. Sau một lúc im lặng, cô thấy mình đã bình tĩnh trở lại, bèn nói, “Các anh loại trừ Mễ Trị Văn à? Hình như sau khi ông ta bị bắt thì loạt vụ án ‘ngón tay khăn máu’ cũng chấm dứt...”
Ba năm trước, hồi bắt lão, cảnh sát đã từng coi lão là nghi phạm số 1 và tiến hành thẩm vấn rất vất vả. Nhưng lão một mực phủ nhận, cảnh sát cũng không tìm ra chứng cứ gì. Ví dụ đơn giản thế này, theo lý luận và kinh nghiệm thực tiễn thì kẻ giết người hàng loạt, nhất là những kẻ bệnh hoạn gây án kiểu ‘ngón tay khăn máu’, rất hay nổi tính điên rồ thu thập ‘chiến lợi phẩm’ của mình, tức là kiểu gì cũng có chứng cứ...”
“Ví dụ lưu trữ ảnh các cô gái giống như La Cường năm xưa ấy à?” Na Lan đã đọc hết các tư liệu về vụ án nhưng cô vẫn hoài nghi một điều, La Cường có phải là sát thủ các vụ án “ngón tay khăn máu” ngày trước thật không? Nếu đúng là hắn đã giết ba cô gái kia... thì những hung thủ sau này là kẻ “mô phỏng”? Đã mô phỏng gần như y hệt, và còn cao siêu hơn nữa, suốt gần 20 năm vẫn không để lộ một dấu vết nào. Nếu La Cường vốn dĩ không phải là hung thủ thì hóa ra địa ngục lại có thêm một oan hồn hay sao?
Ba Du Sinh khẽ thở dài, “Đại khái là thế này... La Cường có lén chụp ảnh các cô gái nhưng không thuộc dạng ‘chiến lợi phẩm’, mà chỉ giống như một thứ sở thích đồi bại... Về phương diện này thì Mễ Trị Văn lại rất ‘sạch sẽ’. Lão thuê một căn hộ chung cư bé tẹo, đồ đạc chẳng có mà bụi bặm cũng không, cứ như nơi tọa thiền của nhà tu khổ hạnh. Ngoài ra, nếu nói lão can tội ‘cưỡng dâm’ thì cũng chưa thật chuẩn, vì mọi lần cưỡng bức đều ‘chưa thành’; cách đây bốn năm lão mới có hành vi xâm hại. So với hung thủ của vụ án ‘ngón tay khăn máu’ thì hình như... lão còn thua xa.” Ý anh nói là về mức độ tàn ác. “Cho nên, dù bọn anh có cả ngàn lý do để nghi ngờ lão là hung thủ vụ án ‘ngón tay khăn máu’ thì vẫn không có một chứng cứ nào để kết tội cả.” Phan_1 Phan_3 Phan_4 Phan_5 Phan_6 Phan_7 Phan_8 Phan_9 Phan_10 Phan_11 Phan_12 Phan_13 Phan_14 Phan_15 Phan_16 Phan_17 Phan_18 Phan_19 Phan_20 Phan_21 Phan_22 Phan_23 Phan_24 Phan_25 Phan_26 Phan_27 end Phan_Gioi_Thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK